Thông tư 57 quy định ô tô phải trang bị bình chữa cháy từ 6/1 nhưng nhiều người dân vẫn chưa rõ về thông tin cũng như thiếu kiến thức về loại thiết bị này.
Quy định mới yêu cầu trang bị bình chữa cháy trên ô tô. (Ảnh: Thanhnien)
Những vấn đề người dân quan tâm nhất là liệu công an có được dừng chỉ để kiểm tra bình chữa cháy hay không? Loại phương tiện này sử dùng như thế nào? Ai sẽ chịu trách nhiệm khi xảy ra tai nạn do bình cứu hỏa gây ra? Hoặc các loại xe yêu cầu trang bị bình chữa cháy, mức phạt cụ thể như thế nào?
Để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện, cũng như thực hiện đúng tin thần thông tư 57, người tiêu dùng cần trang bị những kiến thức cần thiết về bình cứu hỏa trên ô tô.
Cảnh sát có được dừng ô tô chỉ để kiểm tra bình cứu hỏa?
CSGT không được dừng xe chỉ để hỏi về bình cứu hỏa. (Ảnh: Autodaily)
Câu trả lời là không. Theo chỉ đạo của Bộ Công an, Cảnh sát Giao thông (CSGT) không được dừng phương tiện chỉ để kiểm tra thiết bị Phòng cháy chữa cháy (PCCC) gây cản trở hoạt động của chủ phương tiện.
Các loại xe phải trang bị phương tiện PCCC?
Theo thông tư 57 của Bộ Công an quy định, xe từ 4 chỗ trở lên, xe rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc chở khách được kéo bởi ôtô, máy kéo; xe vận chuyển hàng nguy hiểm về cháy, nổ nằm trong danh mục quy định đều phải trang bị phương tiện PCCC.
Loại bình chữa cháy trang bị trên ô tô được quy định như thế nào?
Ô tô từ 4 chỗ trở lên phải trang bị một bình chữa cháy dạng bột loại dưới 4 kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít, hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, hoặc bình khí CO2 loại dưới 4 kg.
Nhiều người cũng không rõ ký hiệu ABC, BC trên bình có ý nghĩa gì và loại nào nên dùng cho ô tô.
A: là bình chữa cháy vật liệu rắn như gỗ, nhựa…
B: là bình chữa cháy chất lỏng như xăng, dầu…
C: là bình chữa cháy chất khí như gas, LPG…
Các loại bình ký hiệu ABC, BC đều có thể trang bị trên ô tô.
Mức phạt với ô tô không trang bị phương tiện PCCC?
Theo quy định, các phương tiện giao thông cơ giới gồm ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên, xe rơ-moóc hoặc sơ mi rơ-moóc chở khách được kéo bởi xe ô tô, máy kéo sẽ bị phạt từ 300.000 – 500.000 đồng nếu không trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy thông dụng; riêng chủ xe cơ giới vận chuyển chất, hàng nguy hiểm dễ cháy thuộc danh sách quy định sẽ bị phạt từ 3 – 5 triệu đồng.
Bình cứu hóa đặt trong xe có gây nổ hay không?
Đã có trường hợp bình cứu hỏa trong xe gây nổ. Vụ việc ồn ào nhất xảy ra tại Trung Hòa, Hà Nội hồi tháng 7/2014 khi chủ chiếc BMW vừa mua bình chữa cháy từ Big C nhưng đã gặp sự có tức thì.
Bình cứu hỏa có thể gây nổ. (Ảnh: Xedoisong)
Bình cứu hóa trên ô tô nổ trong trường hợp nào?
Khi xe đứng một chỗ dưới trời nắng, máy lạnh không hoạt động thì nhiệt độ trong xe tăng cao, bề mặt kim loại nếu hấp thụ nhiệt trực tiếp từ ánh nắng có thể chạm ngưỡng 60 độ C. Trong khi, bình chữa cháy có giới hạn nhiệt từ -22 đến 55 độ C.
Chưa kể, quá trình di chuyển của xe gây rung lắc ảnh hưởng tới áp suất bên trong bình. Các va chạm làm bình méo mó cũng có thể gây ra nổ.
Bình CO2 có gây bỏng cho người dùng?
Do CO2 được hóa lỏng ở nhiệt độ -79 độ C nên khi sử dụng, bọt tuyết có thể gây bỏng nếu dính vào cơ thể. Vì thế, tránh để bình xịt hướng trực tiếp vào cơ thể và cũng nên cầm bình theo đúng tiêu chuẩn.
Ai sẽ chịu trách nhiệm khi bình cứu hỏa nổ trong ô tô?
Sau vụ việc ở Trung Hòa, Hà Nội tháng /2014, chưa có đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm, kể cả đơn vị sản xuất lẫn Big C. Người tiêu dùng vẫn phải tự bỏ tiền ra để chi trả phí sửa chữa, vệ sinh xe.
Theo nguyên tắc, người bị nạn sẽ được phía nhà sản xuất đền bù thiệt hại. Nhưng người dùng phải chứng minh được nguyên nhân nổ là do chất lượng sản phẩm. Phải mất rất nhiều công sức để thực hiện điều này.
Thông tư 57 quy định vị trí đặt bình cứu hỏa trên ô tô ở đâu?
Thông tư 57 không nói rõ vị trí đặt bình chữa cháy trên ô tô, chỉ nêu nên đặt ở nơi dễ thấy, trong tầm với của người lái. Hiện tại, các cơ quan chức năng cũng đã đăng tải hướng dẫn cụ thể về cách đặt bình cứu hỏa an toàn cho xe hơi.
Có thể đặt bình ở góc chữ A. (Ảnh: Vnexpress)
Nên đặt bình chữa cháy ở vị trí nào trên ô tô?
Người dùng nên đặt bình chữa cháy ở bên dưới ghế tài xế hoặc cạnh chỗ để chân hành khách phía trước. Hai vị trí này vừa trong tầm với của lái xe, lại tránh được ánh sáng trực tiếp mặt trời. Do bình chữa cháy có thể gây nổ vì nhiệt cao, nên tránh để dụng cụ này tại vị trí tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời như táp-lô trước, khay để đồ dưới kính sau, góc chữ A.
Xe không trang bị bình cứu hỏa có được đăng kiểm không?
Phương tiện không trang bị bình cứu hỏa vẫn được đăng kiểm như thường nếu đạt các tiêu chuẩn đã đề ra trước đó.
Lê Minh
Nguồn: baomoi.com